Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2010

V-League: Hạt giống đỏ nảy mầm trên đất cằn

Tất cả các đội bóng chuyên nghiệp Việt Nam đều có hệ thống đào tạo trẻ nhưng trong thời gian gần đây, chúng ta không thể “trình làng” nhiều tài năng trẻ.

Có quá nhiều nguyên nhân để giải thích cho nghịch lý trên nhưng tựu trung, cũng bởi chiến lược “ăn xổi” của các đội bóng giàu có và thiếu sự đầu tư tương xứng cho những ngôi sao tương lai.
Chồi non giữa mùa đông
Mấy năm nay, gần như tất cả những tài năng trẻ đều được phát hiện, đào tạo và phát triển trong môi trường khó khăn, nhờ nguồn ngân sách eo hẹp của các đội bóng nghèo. Nếu Nam Định có tiềm lực kinh tế mạnh hơn thì Danh Ngọc, Nhật Nam, Mạnh Dũng, Chu Ngọc Anh... sẽ chẳng có cơ hội “bước ra ánh sáng” và chắc vẫn chỉ là “quân xanh”, mài đũng quần trên băng dự bị hoặc tiếp tục đi khiêng cáng, nhặt bóng phục vụ những trận đấu. Nếu SLNA được cổ phần hóa sớm hơn và được hậu thuẫn bởi một nhà tài trợ giàu có, ai dám chắc Trọng Hoàng, Văn Bình, Quang Tình, Âu Văn Hoàn, Đình Đồng... đã được thi đấu nhiều để hoàn thiện kỹ năng chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm và có đẳng cấp như ngày hôm nay?!
V.League, đấu trường cạnh tranh khắc nghiệt nhất của bóng đá Việt Nam, có rất ít cơ hội cho những cầu thủ trẻ mà Thanh Trung (HP.HN), Thanh Hưng (SHB.ĐN) là những ngoại lệ hiếm hoi. Thế nên, phần lớn những ngôi sao trẻ đều được phát hiện, bồi dưỡng ở môi trường thấp hơn mà nổi bật nhất là hạng Nhất. Những Thành Lương, Long Giang, Văn Hiếu, Văn Quyết đều khẳng định được tài năng của mình từ môi trường đó. Trong giai đoạn bản lề của sự nghiệp, chuyển từ cầu thủ trẻ lên chuyên nghiệp, các cầu thủ cần được chơi nhiều để hoàn thiện mọi mặt. Không quá nếu nói rằng, các tài năng trẻ được hưởng lợi nhờ đội bóng nghèo hoặc chơi ở hạng thấp.
V-League: Hạt giống đỏ nảy mầm trên đất cằn, Bóng đá, V-League, SLNA, Thanh Trung, HP.HN, Thanh Hung, SHB.ĐN, XM.HP, VĐQG EXIMBANK 2011
Tài năng của Văn Quyết (trước) được chắp cánh từ giải hạng Nhất trong màu áo Viettel
Khó như... đào tạo trẻ
Đào tạo trẻ là điểm khởi đầu và quyết định chất lượng của cả một nền bóng đá. Nhiệm vụ ấy không hề đơn giản với những người ươm mầm, bởi tìm những hạt giống tốt đã khó, giữ họ lại với thảm cỏ xanh, với trái bóng tròn lại càng khó gấp bội, nhất là ở những trung tâm lớn.
Đã có rất nhiều cầu thủ trẻ tài năng chịu áp lực của gia đình, không thể đi đến tận cùng đam mê chỉ bởi vì gia đình họ chưa sẵn sàng giao niềm hy vọng của mình cho bóng đá vốn mang tiếng là “môi trường độc hại”. Hơn nữa, bố mẹ họ cũng có đủ điều kiện để tạo cho họ một tương lai lâu dài, ổn định hơn. Thế nên, bóng đá trẻ ở các thành phố lớn rất khó phát triển mà những cầu thủ trẻ tài năng thường có xuất xứ từ những địa phương khó khăn về kinh tế. Một tài năng trẻ ra đời là kết quả của sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều khâu.
Bồi dưỡng, chăm sóc và sử dụng tài năng trẻ cũng là vấn đề lớn hiện nay, nhất là khi các đội bóng chỉ đầu tư cho đội 1, cho đội hình chính để theo đuổi mục tiêu trước mắt. XM.HP trước đây từng rất chịu chơi, tiêu tốn tiền tỷ để chiêu mộ Denilson, nhưng một đồng đội trẻ tuổi của cầu thủ người Brazil này chỉ có thu nhập 2 triệu đồng/tháng.
Năm 2010, bóng đá Việt Nam là nền bóng đá duy nhất ở châu Á có 4 đội bóng khác nhau lọt vào VCK tầm châu lục. Ấy là còn chưa kể đến đội Olympic Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào vòng 2 ASIAD, tại Quảng Châu vừa rồi. Đó là nền tảng tuyệt vời để phát triển bóng đá trong tương lai. Chỉ mong rằng, các đội bóng sẽ chia sẻ trách nhiệm phát triển bóng đá trẻ cùng xã hội.
Trong Điều lệ Giải bóng đá VĐQG EXIMBANK 2011, ngay ở “khoản A, mục 5 - Đăng ký cầu thủ”, BTC giải đã cho phép mỗi đội đăng ký tới 5 cầu thủ chưa có hợp đồng chuyên nghiệp để tạo cơ hội cho các tài năng trẻ ở sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam. Ngoài ra, việc hạn chế ngoại binh từ 5 người xuống còn 4 với các đội V.League, từ 4 xuống 3 với các đội Hạng Nhất cũng để nội binh (trong đó có cầu thủ trẻ) có cơ hội được ra sân thi đấu nhiều hơn.
HLV Nguyễn Thành Vinh (một chuyên gia đào tạo trẻ và là thầy của rất nhiều ngôi sao sân cỏ Việt Nam hiện nay), bày tỏ chính kiến: “Khi V.League càng có nhiều “đại gia” và những mùa bóng không thành công, những CLB đầu tư nhiều hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh chức vô địch thì cầu thủ trẻ càng có ít cơ hội thi đấu. Trong khi đó, họ dễ dàng bị nhiễm thói hư tật xấu của các đàn anh. Dù đã được tạo nhiều sân chơi nhưng các CLB cũng nên chủ động tạo ra nhiều trận đấu để các cầu thủ trẻ được chơi bóng nhiều hơn, cùng với các đối thủ cùng trang lứa. Tôi mạnh dạn đề nghị VFF không cho phép các đội bóng hạng Nhất sử dụng ngoại binh. Như vậy, các cầu thủ trẻ sẽ có nhiều cơ hội ra sân hơn”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét