Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

Chuyện bóng đá Việt: Từ biển số xe hơi đến cầu thủ nhập tịch

Nếu để ý một chút chúng ta sẽ thấy, 99,99% các mẫu xe hơi chúng ta nhập khẩu thì cái hộc để lắp biển số đều là hình chữ nhật. Nhưng từ bao năm rồi, chúng ta vẫn chỉ cấp biển số hình vuông. Giờ, khi biển xe hơi nâng lên 5 số, có vẻ là cái biển ấy mới có chiều ngang dài hơn chiều cao một chút.

Chuyện nhìn những xe siêu sang giá hàng tỷ đồng bị gắn thêm những chiếc biển kiểm soát dù số có đẹp nhường nào, là “số gánh” hay “tứ quý” thấy gai gai mắt thực ra chỉ là phần nhỏ. Chuyện lớn là dường như chúng ta vẫn cố tình đi ngược lại thế giới trong khi sự lựa chọn của chúng ta không thể tạo ra xu thế mới, để các nhà sản xuất phải đi theo.
Đấy chính là sự lạc hậu và bảo thủ về tư duy, chứ bản sắc không thể được gửi gắm vào hình thù của mấy cái biển số.
2. Việt Nam là cường quốc xuất khẩu gạo, nhưng giờ đây, những người sành điệu thích ăn gạo nhập khẩu từ Thái Lan hơn là gạo nội. Người ta cho rằng gạo Thái đắt hơn nhưng ngon hơn. Cũng không loại trừ trong đó còn có yếu tố cảm giác, và thói quen sính ngoại.
Nhưng trên hết, ngay ở thứ sản phẩm chúng ta tự hào và rất sẵn có như vậy, mà cũng nhập khẩu thì những mặt hàng khác, ở lĩnh vực khác, xảy ra nhập siêu là đương nhiên.
Chuyện bóng đá Việt: Từ biển số xe hơi đến cầu thủ nhập tịch, Bóng đá, Viet Nam, bong da, VFF, cau thu, V-League
Một cầu thủ gốc Uganda là Martin (áo xanh) được nhập tịch từ năm 2010 với họ và đệm Trần Lê
Nghịch lý lớn hơn cả, bao trùm lên thói quen sính dùng hàng ngoại, đó chính là lòng tự tôn dân tộc đã không được đặt ở vị trí cao nhất để suy xét, tại sao chúng ta không thể có một nền sản xuất đủ mạnh để người Việt dùng hàng Việt nhiều hơn hàng nhập.
Ở các quốc gia mà lòng tự tôn dân tộc được nhìn nhận sâu sắc, hàng hóa sử dụng đa phần không phải là nhập khẩu. Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Trung Quốc ngay từ xa xưa chính là những ví dụ tiêu biểu nhất ở châu Á của cái gọi là lòng tự tôn dân tộc chính là động lực của những thành công khi xây dựng và phát triển nền kinh tế quốc gia.
3. Trở lại với bóng đá, đa phần những người phản đối việc đưa các cầu thủ nhập tịch lên tuyển đều đặt vấn đề tự tôn dân tộc lên trên hết, muốn đội tuyển là đội bóng thuần Việt. Bởi, một người Việt không chỉ căn cứ trên tấm hộ chiếu. Để là một công dân đúng nghĩa, còn là chuyện ngôn ngữ, văn hóa, tình yêu Tổ quốc… Và có thể viện dẫn việc có khá nhiều cầu thủ ngoại có quốc tịch VN chỉ là để hợp thức hóa thủ tục chơi bóng, là để kiếm nhiều tiền hơn.
Thế nhưng, nếu xét tới yếu tố xu thế của bóng đá thế giới, không lẽ, ở các quốc gia như Đức hay Pháp, lòng tự tôn dân tộc của họ đã bị đặt dưới hai từ thành tích?
Từ chối các cầu thủ nhập tịch vì tiền là hợp lý, còn với các cầu thủ có dính dáng tới yếu tố Việt Nam như lập gia đình với người Việt chẳng hạn thì ngược lại. Không phải lúc nào cũng đi ngược lại với xu hướng thế giới, là có bản sắc, như chuyện cái biển số hình vuông chỉ là tư duy “làm khác người”.
Chỉ có điều, khi ông Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ khẩn thiết đặt ra vấn đề cầu thủ nhập tịch, sốt sắng đi xin cơ chế ngay sau khi Việt Nam không bảo vệ được chức vô địch AFF Cup, có vẻ đó là sự ám ảnh về mặt thành tích đơn thuần.
Người Pháp, Italia thảm bại ở World Cup đâu có lập tức đặt ra vấn đề là họ phải nhập khẩu nhiều cầu thủ hơn nữa. Ngay cả Thái Lan (dù cá nhân người viết không thích cái điệp khúc “người Thái”), họ bị knock-out ngay từ vòng bảng, cái đầu tiên người ta suy nghĩ đó là phương cách xây dựng đội tuyển, tuyển chọn cầu thủ, chứ không phải Singapore, Indonesia nhập tịch cầu thủ thì Thái Lan cũng nên nhập tịch.
Dở nhất là khi thay đổi một cái gì đó mà lệch lạc trong tư duy, sẽ rất khó để có được sự thay đổi mang tính cách mạng trong tiến trình phát triển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét